fbpx
cuộc đời và sự nghiệp của bà Maria Montessori

Montessori – Một Cuộc Đời

(Bài viết trích từ Tạp Chí Montessori Dõi theo trẻ, Ấn phầm Mừng Xuân 2024. Download đầy đủ Tạp Chí tại đây)

Có rất nhiều điều để nói về cuộc đời của một nhà giáo dục vĩ đại Maria Montessori – người đã dành cả cuộc đời cho Trẻ em, người đã lên tiếng mạnh mẽ cho Trẻ em và tạo ra một cuộc cách mạng giáo dục trên toàn cầu.

Có nhiều thông tin về Bà Maria Montessori đã được ghi chép và chia sẻ, nhưng có những điều chúng ta chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim và tâm hồn mình, như cách phương pháp Montessori đã được ra đời, từ sự thấu cảm và tình yêu thương đặc biệt dành cho trẻ em.

Maria Montessori đã dành hết cuộc đời của mình để “dõi theo trẻ”. Bà chưa bao giờ có ý định trở thành giáo viên hay một nhà giáo dục. Chính đứa trẻ cùng với tình yêu thương và lòng trắc ẩn vốn có sẵn bên trong tâm hồn của Bà đã làm cho Bà phải dõi theo trẻ em. Và cùng với những hiểu biết và kĩ năng của một nhà khoa học, một bác sỹ, Bà đã “khám phá” được những bí ẩn của trẻ thơ,  những màu nhiệm ở trẻ và cuộc sống.

Montessori là di sản, là sự đúc kết của một người phụ nữ đã dành trọn cuộc đời của mình để mở ra một con đường mới trong giáo dục, vì trẻ em và hòa bình của nhân loại.

cuộc đời và sự nghiệp của bà Maria Montessori
Cuộc đời và sự nghiệp của bà Maria Montessori

Những năm tháng đầu đời

Maria Montessori được sinh ra bởi Alessandro Montessori và Renilde Stoppani tại thị trấn Chiaraville, tỉnh Ancona, Ý vào năm 1870. Cha bà, Alessandro Montessori, là một quân nhân. Mẹ của Maria, Renilde Stoppani, là một phụ nữ có học thức rất tốt. Maria là một học sinh xuất sắc và cũng giỏi trong các trò chơi và các môn thể thao.

Cuộc đời và sự nghiệp bà Maria Montessori
Cuộc đời và sự nghiệp bà Maria Montessori

Maria – Nữ bác sĩ đầu tiên của nước Ý

Đại học Rome không cho phép bà đăng ký học ngành y vì bà là phụ nữ. Năm 1892, bà đã vượt qua những kỳ thi và nhận được Chứng chỉ để có đủ điều kiện theo học ngành y. Vào năm 1896, Maria trình bày luận án của mình cho Hội đồng và họ rất ấn tượng với công việc của bà và cấp cho bà bằng Bác sỹ Y khoa. Như vậy, Maria đã trở thành người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp trường y ở Ý.

Casa dei Bambini – Trường Montessori đầu tiên

Sự thành công trong phương pháp của bà để hỗ trợ những trẻ em thiểu năng ở Scuola Orthofrencia đã khiến Maria đặt ra những câu hỏi về nền giáo dục truyền thống ‘bình thường’ và những nguyên nhân khiến trẻ em thi trượt. Trong nỗ lực tìm hiểu thêm về hoạt động của tâm trí con người, Bác sĩ Maria Montessori trở lại Đại học Rome để theo đuổi tâm lý học và triết học.

Năm 1904, bà được bổ nhiệm làm Giáo sư nhân chủng học tại trường Đại học. Maria được yêu cầu mở một trường học cho trẻ em trong một dự án phát triển khu ổ chuột ở quận San Lorenzo ở Rome.

Trường Montessori đầu tiên Casa dei Bambini
Trường Montessori đầu tiên Casa dei Bambini

Một ngôi trường được thành lập vào ngày 6 tháng 1 năm 1907. Nó được đặt tên là ‘Casa dei Bambini’ có nghĩa là Ngôi nhà Trẻ thơ. Casa dei Bambini bắt đầu với sáu mươi đứa con có cha mẹ là những người công nhân.

Maria đã phát triển hệ thống giáo dục của mình thông qua việc quan sát một cách khoa học về khả năng hấp thụ kiến ​​thức không nỗ lực của trẻ em từ môi trường xung quanh, cũng như niềm đam mê không mệt mỏi của trẻ trong việc tương tác với những vật liệu trong môi trường. mỗi một món học cụ, hoạt động, phương pháp mà Maria phát triển đều dựa trên những gì bà quan sát thấy rằng trẻ em đang tự làm mọi thứ một cách “tự nhiên” mà không cần sự trợ giúp của người lớn. Trẻ tự dạy mình – một sự thật đơn giản nhưng sâu sắc này đã truyền cảm hứng cho việc theo đuổi phương pháp giáo dục trong suốt cuộc đời của Maria Montessori. Tâm lý học Trẻ em, những chương trình đào tạo Giáo viên – tất cả đều dựa trên sự cống hiến của bà trong việc thúc đẩy quá trình tự kiến tạo của trẻ.

Khóa đào tạo giáo viên Montessori đầu tiên

Dựa trên những quan sát và nghiên cứu của mình ở Scuola Ortrofrencia và Casa dei Bambini, Maria Montessori đã có thể đúc kết thành một phương pháp giảng dạy mới. Vào năm 1909, Bác sĩ Montessori đã tổ chức Khóa học Montessori đầu tiên của mình cho các giáo viên trên khắp thế giới. Bà đã xuất bản “Scientific Pedagogy as Applied to Child Education” (“Phương pháp sư phạm khoa học ứng dụng cho giáo dục trẻ em”) cho những Ngôi nhà Trẻ Thơ, mà trong những năm sau đó đã trở thành “Phương pháp Montessori”. Xây dựng dựa trên ý tưởng của các nhà giáo dục người Pháp, Bác sĩ Jean Itard và Bác sĩ Edouard Seguin, Bác sĩ Montessori đề xuất cho việc kích thích tâm trí của trẻ thông qua các hoạt động mang tính xây dựng mà có thể xây dựng nên lòng tự trọng của trẻ.

Khoá đào tạo Montessori đầu tiên trên thế giới
Khoá đào tạo Montessori đầu tiên trên thế giới

Maria Montessori ở Hoa Kỳ

Vào năm 1913, theo lời mời của Margaret Wilson, con gái của Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ, Maria Montessori đã đến thăm Hoa Kỳ. Trên thực tế, cũng trong năm đó Alexander Graham Bell và vợ ông là Mabel đã thành lập Hiệp hội Giáo dục Montessori tại nhà của họ ở Washington DC. Thomas Alva Edison và Helen Keller cũng là những người ủng hộ mạnh mẽ Maria và phương pháp giáo dục của bà. Tiểu thuyết gia và triết gia nổi tiếng, Ayn Rand coi các phương pháp của Montessori là một sự thay thế mang tính cá nhân và dựa trên lý trí hơn những gì bà coi là những thiếu sót của nền giáo dục tiến bộ.

Trong chuyến thăm Mỹ lần thứ hai vào năm 1915, Maria Montessori được mời tổ chức một lớp học tại Triển lãm Panama-Thái Bình Dương ở San Francisco, nơi khán giả theo dõi qua một bức tường kính, 21 đứa trẻ đều mới làm quen với phương pháp Montessori. Triển lãm đã diễn ra trong bốn tháng. Hai huy chương vàng duy nhất cho giáo dục được trao cho lớp học này. Thí nghiệm này đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới và từ đó, lĩnh vực giáo dục không còn có thể như cũ nữa. Maria đã thực hiện một khóa đào tạo giáo viên ở Hoa Kỳ. Bà cũng phát biểu tại các hội nghị thường niên của cả Hiệp hội Giáo dục Quốc gia và Liên minh Mẫu giáo Quốc tế trong cùng chuyến thăm

Maria Montessori ở Châu Âu

Theo lời mời của chính phủ Tây Ban Nha, Maria thành lập một viện nghiên cứu vào năm 1917. Bà cũng thực hiện một loạt các khóa đào tạo giáo viên ở London vào năm 1919.

Năm 1922, Benito Mussolini tiếp quản chính phủ Ý. Mussolini là một chính trị gia muốn Maria đi theo lý tưởng của mình. Vì vậy, ban đầu ông khuyến khích và ủng hộ hết mình phong trào Montessori ở Ý. Chính phủ Ý tài trợ cho các trường Montessori và cũng giúp Maria thành lập một trung tâm đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, Mussolini đang nuôi dưỡng tham vọng thuộc địa. Để đạt được điều này, ông đã thành lập một tổ chức thanh niên Phát xít và nhấn mạnh rằng tất cả trẻ em, kể cả trẻ em từ các trường Montessori, nên đăng ký vào tổ chức này. Maria không đồng ý về điều này và không làm theo mong muốn của ông. Mussolini ngay lập tức ra lệnh đóng cửa tất cả các trường Montessori và Maria bị trục xuất khỏi Ý.
Bà chuyển đến Tây Ban Nha và sống ở đó cho đến năm 1936. Một cuộc nội chiến nổ ra ở Tây Ban Nha. Tướng Franco, một tên phát xít khác lên nắm chính quyền Tây Ban Nha. Bà được một tàu tuần dương của Anh cứu và đến Hà Lan. Maria đã chọn ở lại Hà Lan một thời gian. Năm 1938, bà mở Trung tâm đào tạo Montessori ở Laren. Bà tiếp tục bàng việc của mình ở quốc gia này cho đến năm 1939.

Maria Montessori ở Ấn Độ

Năm 1939, Rukmini Devi, một vũ công Bharat Natyam nổi tiếng, người sáng lập Kalakshetra – một trung tâm nghệ thuật nổi tiếng thế giới, và chồng bà, George Sidney Arundale, Chủ tịch Hiệp hội Thần học Ấn Độ, đã mời bà Maria, 69 tuổi, đến Ấn Độ và bà rất sẵn lòng và chấp nhận lời mời.

Bác sĩ Montessori đã trở thành một người bạn tốt của cặp đôi và chọn Adyar, Chennai làm nhà của bà và sống ở đó cùng với con trai bà, Mario. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ khiến Maria phải kéo dài thời gian ở lại Ấn Độ. Năm 1940, khi Ấn Độ tham chiến, bà và con trai bị giam lỏng nhưng Maria được phép tiến hành các khóa huấn luyện của mình. Bà ở lại Ấn Độ sau chiến tranh cho đến năm 1946 và trở lại châu u trong một thời gian ngắn.

Maria Montessori ở Ấn Độ

Năm 1947, bà thành lập Trung tâm Montessori ở London và trở lại Ấn Độ lần thứ hai cùng năm. Từ năm 1939 đến năm 1949, Maria Montessori đã thực hiện 16 khóa đào tạo Montessori Ấn Độ với sự giúp đỡ của con trai bà là Mario. Điều này đã đặt nền móng vững chắc cho phong trào Montessori ở Ấn Độ. Sau đó, bà đến Pakistan vào năm 1949 và trở về Châu Âu.

Những ngày cuối cùng của Maria Montessori

Maria đã được đề cử giải Nobel Hòa bình trong ba năm liên tiếp, 1949, 1950, 1951. Nhưng đáng tiếc là giải Nobel đã vuột khỏi tầm tay bà trong cả ba lần.

Năm 1951, khi Maria Montessori từ Ấn Độ đến Hà Lan, bà đã coi thị trấn ven biển Noordwijk aan Zee là quê hương của mình. Những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Montessori được tô điểm bởi cùng một hoạt động và lòng nhiệt thành mà bà đã thể hiện trong suốt sự nghiệp của mình. Công cuộc lao động đầy hy sinh và lâu dài của bà vì trẻ em đã đột ngột kết thúc vào ngày 6 tháng 5 năm 1952. Bà Maria qua đời ở tuổi 82. Lúc đó cả thế giới đều ngưỡng mộ công việc của bà.

“Tôi chỉ tay vào đứa trẻ. Nhưng tại sao bạn lại ngưỡng mộ ngón tay của tôi?” – gần như là những lời cuối cùng của bà.
”Giáo dục là một quá trình tự nhiên được thực hiện bởi cá nhân con người và đạt được không phải bằng cách nghe lời nói mà bằng những trải nghiệm trong môi trường.”
– Bác sĩ Maria Montessori

Nguồn: “Trung tâm Montessori Ấn Độ”
Tổng hợp và dịch bởi: Trung Trung tâm Montessori Việt Nam

Mục nhập này đã được đăng trong Blog. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

VMC - Trung tâm Montessori Việt Nam