Khuynh hướng định hướng – chiếc cầu nối an toàn

Các cha mẹ có biết rằng có một khuynh hướng rất quan trọng đối với em bé sơ sinh. Đó chính là khuynh hướng định hướng và các ĐIỂM THAM CHIẾU (Point of Reference).

Các điểm tham chiếu là những ký ức đặc biệt có liên quan tới những gì đã xảy ra trong suốt thời kỳ em bé ở trong bụng mẹ. Một số ký ức có liên quan đến mẹ như nhịp tim, giọng nói của mẹ. Một số khác thì liên quan tới chính em bé như bàn tay chạm vào miệng và mặt, vận động tay chân và cơ thể của em.

Những ký ức hay các điểm tham chiếu này chính là chiếc cầu nối an toàn giữa thời kỳ em ở trong bụng mẹ và sau khi trào đời. Chúng giúp em tự định hướng bản thân dễ dàng hơn khi bước vào môi trường mới. Các điểm tham chiếu cho em thấy sự sống cũ vẫn đang tiếp diễn, dù tình trạng đã thay đổi, và đem lại cho em cảm giác an toàn, dù cho có rất nhiều thứ khác đã thay đổi thật nhanh chóng trong quá trình em chào đời.

Một điều cực kỳ quan trọng đối với em bé sơ sinh ngay sau khi ra đời là chúng ta CẦN PHẢI TÔN TRỌNG HẾT MỨC CÓ THỂ TÍNH TIẾP NỐI LIÊN TỤC CỦA CÁC ĐIỂM THAM CHIẾU CƠ BẢN NÀY. Nếu ta quên không lưu tâm đến những điều quan trọng như thế trong quá trình sinh nở, ta có thể gây ra những hiện tượng bệnh lý về thể chất hoặc tâm lý cho em.

Thật may mắn vì ngày nay các thực hành về tiếp da với mẹ ngay sau sinh được phổ biến rất rộng rãi để các em có thể nghe được nhịp tim của mẹ ngay sau khi rời khỏi bụng mẹ. Hay có những hướng dẫn mới về việc không mang bao tay cho em bé sơ sinh để em có thể cảm nhận được đôi bàn tay như khi em ở trong bụng mẹ.

Khi chúng ta hiểu được khuynh hướng định hướng và các điểm tham chiếu này, các cha mẹ có thể biết cách để hỗ trợ con có những quá trình chuyển tiếp mượt mà và an yên khi con thay đổi môi trường. Cụ thể ở đây là trong bụng mẹ và sau khi chào đời, các môi trường sau này có thể như khi con ở nhà đến khi con đến nhà trẻ, hay đơn giản hơn là những khi con tiếp xúc với bất kỳ môi trường mới nào.

Nguồn: Tham khảo “Sự thật về 3 năm đầu đời của trẻ” – Montanaro

Ảnh: VMC