Tôi học được chữ “Đủ”. Không còn chạy theo những thứ phù phiếm, không còn những kỳ vọng và áp lực lên con.

Nguồn:  Vũ Diệu  Linh – Giáo viên Montessori 3-6 (Khóa 3) do IMC và VMC đào tạo

Hình ảnh: Tác giả cung cấp

Hiệu đính: VMC

 

🌳 Câu chuyện của một người mẹ có cô con gái 5 tuổi, từng làm giảng viên đại học trước khi làm chủ trường và trở thành cô giáo mầm non trong môi trường Montessori ở Sơn La. Chia sẻ về những thay đổi trong cuộc sống của bạn trước và sau tìm hiểu về Montessori. 🌳

Trước đây, tôi luôn ngó nghiêng nhà biệt thự các thứ. Bây giờ, tôi thích một căn nhà cấp 4 đồng quê. Không còn mong muốn theo kiểu bắt buộc phải có cho được nó mà khi nào tôi có đủ tiền thì tôi mua một mảnh đất, làm một khu vườn và xây một ngôi nhà nhỏ. Tôi biết đợi đến đúng thời điểm.
Trước đây, tôi luôn muốn mua ô tô. Bây giờ, mọi người hỏi tôi tại sao không mua ô tô thì tôi trả lời “Đi học hết tiền rồi, đi xe máy cũng được mà, có vấn đề gì đâu.”
Trước đây, tôi nghiện mua sắm. Tôi đã mua rất nhiều áo quần, tôi còn phải lên lịch mặc như thế nào để tránh bị trùng khi lên giảng đường. Bây giờ, tôi không còn quan tâm đến quần áo các thứ nữa. Giờ chỉ cần mặc thoải mái nhất có thể để tôi có thể đứng lên ngồi xuống để có thể hỗ trợ trẻ tốt nhất.
 
Rõ ràng nhất là chiếc ví của tôi, nhìn nó rất te tua. Mọi người còn hay hỏi chiếc ví nó có lộc hay sao rách như thế mà tôi vẫn dùng. Tôi chỉ nghĩ đúng là trông nó te tua thật nhưng nó vẫn còn dùng được. Nó chỉ xấu bên ngoài chứ khóa và những thứ khác vẫn còn nguyên. Giờ tôi dùng thì nó vẫn là cái ví, nếu vứt đi thì nó sẽ là rác. Thi thoảng người ta nhìn tôi với con mắt như có vấn đề, nhưng tôi cứ kệ thôi. Chiếc ví vẫn còn công dụng mà. Nếu trước đây nó xấu một tí là tôi bỏ đi rồi, bây giờ tôi chẳng sợ ai đánh giá mình qua cái ví nữa.
Đối với con cũng thế, trước đây mình hay kiểu con được thế này thì lại muốn con được thêm nữa, còn giờ thì mình khá ổn với con. Mặc dù bạn ấy không nhanh, lần đầu tiên bạn ấy viết được chữ cái thì mình rất vui và ngạc nhiên. Nếu là trước đây thì mình sẽ theo kiểu chỉ viết được thế này thôi hả con, sao lại viết xấu thế này. Hay khi bạn ấy đi vào hệ thập phân phần tĩnh (các hoạt động trong toán học giúp trẻ hiểu cách tạo thành lượng và ký hiệu của chúng theo hệ thập phân), nếu là trước kia sao mãi con vẫn chưa tính toán được vậy. Còn bây giờ khi bạn hiểu được lượng và số thì mình rất bất ngờ với những gì bạn đạt được. Tôi bớt kỳ vọng mang tính áp lực với con.
Hành trình cùng con – tiếc nuối và bình yên
Trên hết, điều đầu tiên mà Montessori mang đến cho tôi là thay đổi cái nhìn của tôi về trẻ. Mình biết cách tôn trọng và thấu hiểu thay vì áp đặt và kỳ vọng. Đây là giá trị thiết yếu nhất với cuộc sống của con, để có thể cảm thấy cuộc sống hạnh phúc, bình yên thì đây là điều vô cùng quan trọng. Theo kiểu là, khi mình không hiểu con mình sẽ “Ôi cái bọn thế này, cái bọn thế kia.” hay muốn nhét con vào bụng trở lại thì bây giờ mình nhìn nhận con như một con người. Mình biết rằng nhân cách của con ở giai đoạn thơ ấu này sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này.
Thay đổi cách nhìn về trẻ rất quan trọng, đối với một người làm mẹ, đứa con gần như là thứ tài sản tinh thần lớn nhất của mình để sống bình yên hay đầy giông bão. Nếu mình không có cái nhìn đúng thì mình không thể hỗ trợ được cho con, rồi con phát triển sai hướng, con có những lệch lạc thì lúc đó mẹ lại dễ mất bình tĩnh với con. Và cứ tiếp tục như vậy thì cuộc sống giữa mẹ và con sẽ càng sóng gió.
 
Tôi hay thấy mọi người thường hay nói con mình khủng hoảng thế này. Tôi nghĩ có người lớn mình khủng hoảng ấy, do mình không chịu được nên mình khủng hoảng, chứ con vẫn đang trong tiến trình phát triển bình thường của con. Mình luôn muốn một cái gì đó phơi ra và có lộ trình. Còn sự phát triển của con thì lại bí ẩn, không có ngày nào như ngày nào, không có giai đoạn nào như giai đoạn nào. Chỉ là người lớn mình không chấp nhận được điều đó, đứa trẻ thì vẫn như thế. Khi thay đổi cách nhìn, mình hiểu được con trẻ, mình không những chấp nhận con mà còn hỗ trợ con theo hướng đúng đắn hơn.
Trước đây, tôi cũng đọc sách về giáo dục sớm nhưng mà sách nó không thấm được bao nhiêu, nó kiểu như một cơn gió thoảng qua vậy thôi. Tôi cũng có học Montessori ở một tổ chức khác, nhưng tôi cứ cảm thấy chưa đủ. Nó không trả lời được những gì tôi mong muốn, nó có đánh động nhưng chưa đủ để khiến mình thay đổi để con thay đổi được. Vì có những thứ mình sai nó in hằn lên con. Đến khi học Montessori với IMC thì có những thứ vỡ òa và sau đó là cảm giác tiếc nuối. Tiếc vì mình đã bỏ qua hơn 3 năm đầu đời của con, tiếc vì mình đã làm sai với con.
 
Tôi thật sự biết ơn Thầy Ananth và IMC
Học Montessori với thầy Ananth giúp tôi nhận ra rằng nếu không đi sâu vào triết lý Montessori, người ta dễ hiểu lầm rằng Montessori tập trung vào phát triển những năng lực như làm toán, đọc viết mà quên mất một điều vô cùng quan trọng là nhân cách, bản chất của một đứa trẻ. Con người đâu chỉ có những năng lực trí tuệ mà nhân cách là nền tảng vô cùng quan trọng để trở thành một người trưởng thành lành mạnh. Ví dụ như mình thấy những khiếm khuyết ở chính mình, nhưng để thay đổi bản thân là cả một vấn đề rất mệt mỏi, cần rất nhiều nỗ lực và sự kiên trì. Vậy tại sao mình không cố gắng để con có nhân cách tốt đẹp ngay từ thời thơ ấu.
Nếu không gặp được IMC thì chắc là tôi vẫn thiên về kỷ luật truyền thống và lại khiến con tôi trở thành một phiên bản y hệt mình. Bây giờ tôi hiểu về tự do và kỷ luật. Tôi biết con cần khuôn khổ, giới hạn như hai rào chắn bên đường. Để khi con đi nếu con chạm vào con sẽ biết để tự quay lại tâm đường. Khi đó mình thấy kỷ luật với con dễ dàng hơn. Hoặc những khi tôi mất bình tĩnh vì những hành vi cần điều chỉnh của con. Trước đây tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề luôn nhưng bây giờ tôi nhận ra khi tâm trạng không tốt, tốt nhất là mình làm thế nào để giúp mình trước khi giúp người khác. Tôi sẽ ra ngoài để giúp bản thân bình tĩnh trước khi nói chuyện với con thì tôi thấy ổn hơn trước rất nhiều.
IMC khiến tôi thay đổi, để tôi trở nên tốt hơn, dễ dàng kết bạn với người khác hơn. Nó không chỉ giúp tôi thay đổi cuộc sống với con mà nó thay đổi cuộc sống của chính tôi. Từ ngày làm cô giáo Montessori tôi cảm thấy tôi có được một công việc ý nghĩa. Thứ mà trước đây tôi không có được, mặc dù tôi cũng làm giáo dục khi ở trên giảng đường. Tôi cảm thấy thực sự ý nghĩa khi làm việc với trẻ, nó như niềm đam mê, trách nhiệm và khao khát mà mình muốn theo đuổi. Làm việc với trẻ, khi mình yêu thương con thật lòng thì con cũng yêu thương mình thật lòng và mình hạnh phúc thật sự khi ở bên cạnh các con.