Montessori như ánh sáng le lói trong thời điểm đen tối nhất

🐾 Câu chuyện của người bỏ phố về quê, từ nhân viên ngân hàng đầy triển vọng đến cô giáo mầm non.🐾

Nguồn:  Một giáo viên Montessori 3-6 (Khóa 3) do IMC và VMC đào tạo

Hình ảnh: Tác giả cung cấp

Hiệu đính: VMC

 
Là một nhân viên ngân hàng tại trụ sở chính ở Hồ Chí Minh, chỉ sau vài năm kinh nghiệm từ khi mới ra trường, chị đã có cơ hội được đề bạc lên vị trí quản lý.
5 năm sau, cũng một con người đó, quần áo lôi thôi, lếch thếch, đầu tóc bù xù. Có nhiều lúc không kịp thay đồ phải mặc đồ ngủ đi chợ.
Sau khi từ chối đề nghị thăng chức vào năm 2014, hai vợ chồng chị về quê. Vì trước đó đã xác định về quê sống để tiện chăm sóc ba mẹ. Không xin được vào ngân hàng như ở thành phố, ở nhà với cuộc sống gia đình, con cái, chị dần trở thành một bà mẹ hai con với những hình ảnh không ai mong muốn như vậy vào năm 2019. Nhưng hơn hết, những trăn trở trong việc nuôi dạy con cái đã khiến chị tạo ra một dấu mốc trong cuộc sống của mình. Đó là đến với Montessori và trở thành một người lớn Montessori (hay chúng ta thường gọi là cô giáo mầm non).
 
Câu hỏi: Động lực nào đã đưa chị đến với Montessori?
Chị có một người bạn thân thời đại học tên là Hương. Hương lúc đầu cũng làm ngân hàng, sau đó thì học Montessori nên có vấn đề gì của hai bạn nhỏ nhà chị thì chị thường gọi điện hỏi Hương. Những gì Hương trả lời thì mình cũng ờ ờ rồi thực hiện, nhưng mà tại bản chất mình chưa nắm được triết lý tinh thần mà mình chỉ rập khuôn nên nó không có kết quả. Và khi làm theo lời Hương thì chị lại sinh ra một cái kỳ vọng.
Có hôm chị ngồi ngoài sân buổi chiều tối, chị cứ để cho hai đứa con chị chơi, chị ngồi ngoài sân thiệt là lâu. Lúc đó, chị không biết mình đang làm gì nữa, giống như mình bị lạc lối, mình bị mất phương hướng. Rồi ông xã đi làm về chị, mới nói chuyện với ảnh. Chị nói không muốn con mình nó sống một cuộc đời như vậy mà lớn lên, nhưng chị không biết phải làm sao. 
 

Rồi chị gọi cho Hương, chị muốn tìm một cái phương pháp tốt cho con mà giờ chị cũng không biết phải làm sao. Lúc đó còn 1 tháng nữa có khóa học Montessori. Học phí lúc đó đối với chị cũng rất là cao, gần 100 triệu, nhưng Hương nói một câu mà chị quyết định theo học. Bây giờ chị chỉ bỏ ra chín mấy triệu thôi và chỉ mất có 1 năm thôi mà chị có thể sống và thay đổi cả cuộc đời của con chị. Cũng may mắn là ông xã chị ủng hộ chị đi học, còn lại tất cả mọi người kể cả ba mẹ ruột của chị còn chạy xe qua tới nhà chị để phản đối. Hai vợ chồng cũng đắn đo dữ lắm, ngoài chuyện tài chính thì việc sắp xếp thời gian chăm sóc 2 bạn nhỏ, nhất là bạn sau chỉ mới 2 tuổi, cũng là một vấn đề nan giải khi chị phải đi thành phố học. Cuối cùng quyết định gửi bé Bi về cho bà nội để chị có thể lên thành phố đi học.

 

Câu hỏi: Chị có thể chia sẻ rõ hơn những vấn đề với con chị?
Lúc lựa trường cho Bi (bé nhỏ được 2 tuổi) đi học, thì chị gặp phải tình trạng mà chị không thay đổi được nó. Có một bữa chị vô trễ ở trường của Bo (bé lớn), nhìn thấy cái tô lỏng bỏng, ăn xong con ngồi xếp bằng như ở trong tù. Rồi có hôm chị vào đón con sớm thì thấy cô giáo đứng hét lớn giữa lớp lấy cây khẽ vô tay của hai đứa nhỏ. Chị thấy hiện trạng đó mà lúc đó trong đầu nghĩ chắc do bé quậy quá nên các cô phải làm như vậy, vì 2 cô mà có đến 50 bé thì dạy sao đây. Tất nhiên là mình không đồng ý nhưng mà thấy ai cũng vậy. Và tới Bi thì chị không muốn gửi theo trường đó nữa.
Thời điểm đó bé Bo 5 tuổi, nó bắt đầu có những cái không theo ý mình, làm trái những lời mình nói. Nó tiếp thu rất nhanh những cái mà mình cho là thói hư tật xấu xung quanh. Nói năng theo kiểu không hay, rồi ưa nhảy nhót, múa may. Mọi người còn nói nó khùng, chị mới nói: “Thôi con đừng có khùng nữa đi, khùng như dậy là hỏng có tốt.” Con mới hỏi khùng là gì mẹ, lúc đó mình chưa học Montessori cũng chưa biết gì, nhưng mình cũng giải thích. Giải thích xong thì tưởng con hết làm, ai ngờ nó nói: “Giờ con cứ khùng thôi, con khùng cũng được, kệ con.” Mình thấy bó tay rồi. Giờ không biết giải quyết vấn đề sao nhưng cứ theo cái cách truyền thống đòn roi từ nhỏ tới lớn là chị không muốn.
 
Câu hỏi: Montessori đã giúp chị chuyển hóa như thế nào?
Những gì mà chị làm được cho tới giờ này nó chỉ gói gọn trong gia đình chị. Như là mối quan hệ của chị với ông xã dễ chịu hơn, mối quan hệ của chị với con cũng tốt hơn.
Lúc trước chị quanh quẩn trong trong nhà, chị bắt đầu xét nét ảnh, bắt lỗi ảnh, cằn nhằn, khen chê đủ thứ. Cứ cái gì ảnh làm không đúng ý là bực bội, nói 1 lần ảnh không làm là nói lần thứ 2, lần 3 và cứ nói cho đến khi ảnh làm mới thôi. Chị thấy chị bắt đầu có dấu hiệu giống mẹ mình rồi. Có lần ảnh bực quá, bỏ ra sân ngồi, chị ngồi trong nhà cũng bực. Hai vợ chồng chiến tranh lạnh. Tần suất bất ổn càng ngày càng nhiều, trước đây lâu lâu, rồi thỉnh thoảng mới có một lần giờ thì cho đến thường xuyên, kiểu vậy như cứ nhìn thấy mặt là gây gổ vậy đó.
Từ lúc học Montessori chị thấy mình tôn trọng ảnh hơn, mỗi người có sự đáng yêu của người đó, mình nhìn nhận người đó đúng là chính họ. Mình sẽ thấy người đó có những cái rất đáng yêu, đáng quý, và mình trân trọng những điều khác biệt giữa mình và người đó. Cái này không chỉ với ông xã mà còn với trẻ và cả mọi người xung quanh.
Chị thấy chuyển hóa rất lớn ở chỗ là ít phán xét hơn, khi gặp người khác mình không có đánh giá sao người đó đáng ghét vậy. Mình nói chuyện với họ vì là chính họ thôi, không phán xét gì hết. Khi họ làm gì đó không phù hợp với nhận định của mình cũng không sao hết. Mỗi người một cách sống, miễn sao họ hạnh phúc với điều đó. Trên đời này không có gì tự nhiên, cái gì nó cũng có lý do hết, người ta làm vậy vì người ta có lý do của họ và mình không sống trong hoàn cảnh của người ta nên mình không phán xét gì hết. Chị sống theo quan điểm đó, nên cuộc sống của chị bắt đầu chậm lại, cách chị phản ứng với các sự việc và mọi người cũng chậm lại và bắt đầu khách quan hơn.
 
Câu hỏi: Chị có thể chia sẻ thêm những thay đổi trong gia đình chị, giữa ba mẹ và con cái.
Dịch này là điều không ai mong muốn, nhưng khi chị về ở nhà với Bo được hai tháng. Chị thấy ở với chị, bạn thay đổi được rất nhiều. Chị quan sát bạn từng ngày. Chị dựa theo nguyên tắc Montessori làm việc với bạn, thấy bạn tập trung làm việc hơn, bạn có nhiều thứ yêu thích hơn. Chị chấp nhận bạn là chính bạn chứ không phải so sánh rồi kỳ vọng, lúc đó cả con và mẹ cùng nhau tốt hơn. Chị cũng áp dụng nguyên tắc giới hạn và tuân thủ. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể, cùng bạn thống nhất các giới hạn. Khi đã đặt ra giới hạn thì phải tuân thủ. Nhưng không phải bắt bạn ngay tức khắc phải tuân thủ ngay hay phải tự làm hoàn toàn. Mà quan trọng là cần có sự yêu thương, quan sát hỗ trợ bạn khi cần, sau đó rút dần lại đến khi bạn có thể tự làm và không làm thay bạn những gì bạn có thể tự làm. Trên tất cả là sự tôn trọng và tin tưởng bạn, yêu thương bạn.
Chị không cho bạn xuống ngoại chơi nhiều, xuống là sẽ dẹp hết (dẹp điện thoại và tivi). Bạn vô ngoại coi tivi rất là nhiều. Chị đã nói chuyện với ngoại nhưng không thay đổi được gì hết. Khi bạn coi tivi như vậy bạn không có tập trung được, bạn bị mất tập trung, làm chỗ này một ít, làm chỗ kia một ít. Thời gian dài không được coi là bắt đầu vò đầu, bức tai, giống như bị nghiện vậy đó. Nên là chị cắt nghiện luôn, chị nói với Bi rằng “Mẹ biết con khó chịu, con có khó chịu gì con có thể nói với mẹ. Mẹ sẽ giúp con cùng vượt qua với con.” Dần dần bạn chấp nhận thói quen mới, chơi thể thao nhiều hơn, làm việc với chị nhiều hơn.
Trong nhà bây giờ khá dễ chịu giữa ba mẹ con cái, mọi người đều tôn trọng nhau, mọi người đều hỏi ý kiến của nhau. Ví dụ có hôm tới giờ đi tắm, Bi mải chơi và nói “Tí nữa đi mẹ”. Mẹ nói “Trễ lắm rồi con, tắm khuya sẽ lạnh lắm. Giờ con tắm rồi chơi tiếp hoặc là con không tắm và ngủ một mình.” Bạn chọn không đi tắm. Đến lúc đi ngủ, nước mắt cũng rưng rưng đó nhưng vẫn phải ngủ một mình. Hôm sau bạn sẽ chủ động đi tắm mà không cần nhắc nhở. Mình giúp bạn biết được những nguyên tắc, giới hạn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của bạn. Như em biết đó, Montessori không chỉ là một phương pháp giáo dục mà nó còn là lối sống.
 
Câu hỏi: Để đến được với Montessori, chị đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách từ tài chính, thời gian, việc xa nhà, xa gia đình, xa con… Nhưng chị đã vượt qua và hạnh phúc với lựa chọn của mình. Có điều gì còn làm chị băn khoăn không?
Hành trình đến với Montessori là một hành trình với chị rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với chị nó thật sự đáng để đánh đổi. Nhìn các con hiện tại, mối quan hệ với mọi người và nhìn vào chính mình chị thấy may mắn vì đã học, đã biết đến Montessori, được hiểu sâu sắc triết lý và được trải nghiệm thực tế với trẻ. Nếu không, chị không biết mình đã phạm phải bao nhiêu lỗi lầm với các con.
Chỉ hơi tiếc một chút vì chị học quá muộn. Nếu được học trước khi có con hay thậm chí là trước khi lấy chồng sẽ tốt biết bao. Thậm chí là trước đó nữa càng tốt, vì nó giúp chị can đảm đối diện bản thân, hay nhận ra thật sự mình muốn gì.
Một điều nữa, chị rất lo lắng cho Bo ở nhà với ba, bạn đã 7 tuổi, chị nhận thấy một số lệch lạc ở bạn, bạn đang rất cần sự hỗ trợ của chị, vì vậy chỉ rất mong muốn mở trường Montessori ở quê để có thể đồng hành cùng 2 con và ở bên gia đình. Tuy nhiên, tìm một cộng sự cùng chia sẻ ước mơ về ngôi trường Montessori ở Bến Tre là không dễ dàng.
Dịch này là một thời gian khó khăn cho mọi người, tuy nhiên với chị nó lại cho chị một món quà, đó là thời gian ở bên con. Điều đó thật tuyệt, chị nhận thấy những thay đổi tích cực khi tương tác với con một cách tỉnh thức. Chị tận dụng và tận hưởng từng giây từng phút này ở bên con, và giờ đây chị khá tự tin với những kiến thức, sự hiểu biết của mình khi tương tác với con.
 
💗 Biến những ngày giãn cách do dịch thành một thời gian quý báu bên con, điều này thật tuyệt. Chúc chị sớm mở được một môi trường Montessori trên mảnh đất quê hương của mình, để không chỉ Bi, Bo mà các bạn nhỏ khác được sống và lớn lên trong yêu thương và hạnh phúc. Để các bạn có thể tận hưởng khám phá để phát triển hết những tiềm năng và có cơ hội để xây dựng bản thân trở thành những người lớn lành mạnh.💗