Nhà Giáo Mới

Bài giảng ngày 10 tháng 10 năm 1946

Sự tập trung là một phần của cuộc sống, không phải là hệ quả của một phương pháp giáo dục. Tất cả những lệch hướng mà tôi đã nói đến không phải là bệnh tật mà là kết quả của sự kìm nén. Kìm nén không phải là bệnh tật; những người bị bệnh được gửi đến bệnh viện. Nếu chúng ta gửi những trẻ gặp khó này đến bệnh viện, chúng sẽ không được chữa khỏi. Về mặt tâm lý, trẻ đều bị tổn thương.

Sự kìm nén là kết quả của các năng lượng đã bị chặn lại. Rõ ràng là nếu một năng lượng tự nhiên đủ mạnh để phát triển một cá nhân bị kìm nén, thì chướng ngại vật đó phải được loại bỏ trước khi một cuộc sống tràn đầy năng lượng hơn có thể mang lại cách chữa trị. Chỉ có một đường thẳng phát triển, đó là sự bình thường. Nếu sự phát triển bị xáo trộn trên con đường của nó, nó sẽ trở nên chệch hướng. Mỗi cá nhân, dù bị lệch hướng đến đâu, đều có xu hướng trở lại với những gì bình thường. Nếu điều này không phải như vậy, chúng ta sẽ không thể làm gì. Nó rất đơn giản – tất cả những gì chúng ta phải làm là giải phóng năng lượng này. Nó chỉ đơn giản như vậy. Đây không phải là để trẻ tự do chạy nhảy theo lẽ thường. Trao tự do cho trẻ có ích lợi gì nếu là tự do phát triển lệch lạc? Khi chúng ta nói về tự do trong giáo dục, chúng ta muốn nói đến tự do cho năng lượng sáng tạo. Năng lượng sáng tạo là sự thôi thúc của cuộc sống đối với sự phát triển bình thường của một cá nhân. Đây không phải là năng lượng thông thường, mà giống như năng lượng của một quả bom phát nổ. Nó có một sự hướng dẫn, một chỉ thị rất tốt, một chỉ thị vô thức với mục đích là phát triển một con người bình thường. Khi chúng ta nói về trẻ tự do, chúng ta đang nghĩ đến năng lượng này phải được tự do để xây dựng những đứa trẻ một cách tốt đẹp. Chúng ta phải giúp đỡ cho mục đích này. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta thấy rằng trẻ sẽ trở lại với năng lượng hấp dẫn, sáng tạo này và trở nên bình thường. Khi điều này xảy ra, tất cả các lệch lạc sẽ chấm dứt.

Hiện tượng này xuất phát từ các điều kiện sống của trẻ và vì vậy cách chữa trị cho những trẻ gặp khó phải là mang lại cuộc sống tự do cho chúng với một môi trường được chuẩn bị – bởi vì môi trường là một phần của cuộc sống và cuộc sống không thể tồn tại nếu không có môi trường. Đây là cách chuẩn bị gián tiếp. Trong môi trường thích hợp, sự bình thường đến tự nhiên, bởi chính nó. Bạn phải nhận ra rằng những đứa trẻ rất nghịch ngợm sẽ không thay đổi đột ngột ngay khi chúng được đưa vào môi trường thích hợp. Mỗi trẻ đều có hình thức nghịch ngợm riêng của mình; mỗi trẻ là khác nhau và vì vậy mỗi trẻ sẽ phản ứng khác nhau. Vì vậy, một ngày nọ, một đứa trẻ sẽ tập trung vào một công việc và sau đó, chúng ta sẽ thấy rằng trẻ đã thay đổi. Nhưng mắt của bạn phải được đào tạo để quan sát hiện tượng này khi nó xảy ra. Chúng ta thường không nhận thấy những điều như thế này, đặc biệt là những điều về mặt tinh thần. Tôi không thể đưa cho bạn một chiếc kính để xem cùng. Khi một đứa trẻ tập trung, tính cách của nó thay đổi. Nó giống như thể trẻ đã cởi bỏ một chiếc mặt nạ. Giả sử bạn có một lớp học gồm ba mươi trẻ đều mất trật tự và không chú ý, ngoại trừ hai đứa trẻ bình thường. Người giáo viên phải có khả năng nhận ra sự khác biệt giữa những trẻ này. Không dễ dàng nhận thấy sự khác biệt, bởi vì những hành vi phá phách và làm mất trật tự rất dễ nhận thấy hơn những hành vi bình thường. Cô giáo nhìn thấy các khuyết điểm. Một lần nữa, giáo viên không can thiệp khi một đứa trẻ đang phá một học cụ vì cô ấy nghĩ rằng đây có thể là khoảnh khắc của sự tập trung. Những người bắt đầu nghiên cứu sinh học phải nghiên cứu mọi thứ dưới kính hiển vi, nhưng cho đến khi mắt của họ đã được đào tạo thì họ không thể nhìn thấy gì. Vì vậy con mắt của người thầy phải được rèn luyện. Sự nhạy cảm phải được phát triển ở giáo viên để có thể nhận ra hiện tượng tập trung phù du này khi nó xảy ra.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một đứa trẻ tập trung là cách đây bốn mươi năm. Đó là một đứa trẻ ba tuổi trong một lớp bốn mươi lăm trẻ. Cô bé đang làm việc với các khối trụ có núm. Những trẻ khác cũng bận rộn, nhưng điều kỳ diệu ở cô gái nhỏ này là sự chú ý tuyệt vời khi cô bé làm việc và thực tế là cô bé lặp đi lặp lại các bài tập nhiều lần. Điều này dường như không bình thường đối với tôi. Đó là điều bình thường, nhưng tôi đã nghiên cứu tâm lý của những ngày đó, và tâm lý đó nói rằng trẻ nhỏ không có khả năng tập trung. Khi tôi thấy đứa trẻ này tập trung quá lâu vào một mối quan tâm, tôi đã đếm xem cô bé lặp lại bài tập đó bao nhiêu lần. Cô bé lặp lại nó ba mươi hoặc bốn mươi lần và sau đó tôi yêu cầu giáo viên cho tất cả các trẻ hát. Tất cả đều hát và đứa trẻ này vẫn miệt mài với công việc của mình. Sau đó, đột nhiên, đứa trẻ đã hoàn thành. Cô bé đã thực hiện bài tập có lẽ bốn mươi lần hoặc hơn. Tiếng hát đã không làm phiền cô bé. Cô bé dừng lại vì một điều gì đó bên trong đã được hoàn thành chu kỳ hoạt động. Chu kỳ hoạt động ngừng một cách đột ngột. Điều này cho thấy rằng một điều gì đó đã xảy ra bên trong có tầm quan trọng lớn, ngay cả khi nó chỉ xảy ra với một trong số bốn mươi lăm trẻ. Nếu tôi không nhận thấy sự tập trung của đứa trẻ này, cô giáo cũng đã không làm như vậy và cô ấy đã nài nỉ đứa trẻ tham gia cùng các bạn khác khi đến giờ hát và như vậy sự tập trung của đứa trẻ sẽ bị phá vỡ.

Đây là hạt giống. Bạn có thể đọc về nó trong các cuốn sách của tôi. Sau đó, bất cứ khi nào tôi thấy một đứa trẻ tập trung vào công việc, tôi sẽ để trẻ ấy không bị quấy rầy. Chúng ta không được can thiệp vào một đứa trẻ đang tập trung, bởi vì có điều gì đó đang xảy ra bên trong trẻ. Dần dần, những trẻ khác sẽ bắt đầu tập trung. Có hôm sẽ là một trẻ, ngày khác là hai hoặc ba trẻ. Một khi chúng đã chinh phục được sự tập trung, chúng sẽ khác. Chúng không còn tính nũng nịu nữa. Chúng không còn lệ thuộc và làm việc cho chính chúng. Những đứa trẻ vô trật tự bắt đầu yêu thích trật tự. Tất cả đều trở nên trật tự đến nỗi sự mất trật tự là một điều khác thường. Chúng chính xác về mọi chi tiết. Chúng bước vào một con đường mới!

Khi những đứa trẻ trở nên bình thường theo cách này, một kiểu giáo viên mới được cần đến – một giáo viên có thể hỗ trợ sự bình thường hóa. Việc đầu tiên mà giáo viên này phải làm là chuẩn bị môi trường. Cô ấy phải đặt mọi thứ có trật tự trong môi trường. Cô ấy phải thấy rằng học cụ ở trong trật tự hoàn hảo. Cô phải thấy rằng mọi thứ đều hấp dẫn, để trẻ sẽ thích môi trường này ngay khi bước vào. Cô giáo mong muốn bọn trẻ có trật tự và vì vậy bản thân cô cũng phải trật tự. Bản thân cô giáo phải được chăm sóc chu đáo, ăn mặc đẹp. Cô ấy phải sạch sẽ và gọn gàng và là một phần của sự hấp dẫn của môi trường. Chúng ta phải có những giáo viên là phụ nữ, những người sẽ khiến bản thân trở nên hấp dẫn nhất có thể, ngay cả khi họ ở một mình trong căn phòng với những đứa trẻ nhỏ từ ba đến sáu tuổi. Họ phải làm điều gì đó gần như thần bí và thu hút linh hồn nhỏ bé này và trở thành một phần sức hấp dẫn của môi trường.

Các người mẹ cũng phải làm điều này. Các mẹ không chỉ phải làm cho mình trở nên hấp dẫn đối với xã hội, đối với chồng mà còn đối với con cái của họ. Khi họ mặc quần áo cho một cuộc tiếp đón trọng đại, họ phải đi đến với con cái của họ để con cái của họ có thể chiêm ngưỡng họ. Các em nhỏ rất vui khi thấy mẹ trông đẹp và chân thành ngưỡng mộ mẹ.

Giáo viên cũng phải hiểu rằng môi trường thuộc về trẻ. Nó không phải của cô ấy vì cô ấy là giáo viên. Môi trường giúp trẻ làm chủ nó. Thứ mà xã hội đang thiếu là một nơi cho trẻ, nơi chúng không bị kìm nén, nơi chúng có một số phương tiện để phát triển. Cô giáo phải giúp các con tự lập, tự mình giữ gìn trật tự cho môi trường. Cô ấy phải rất tự hào khi thấy tất cả những trẻ này trở nên bình thường. Cô giáo có thể tự hào nhất khi không còn cần thiết nữa, vì tất cả trẻ đều bình thường. Có thể nói, cô ấy là một giáo viên vô cùng thành công. Các con có thể tự làm mọi việc; chúng không cần tôi. Những đứa trẻ này khác biệt bởi vì tôi đã đối xử với chúng theo cách đúng đắn. Tôi đã trao tự do cho những năng lượng sống này – bây giờ chúng có thể tiếp tục và mở rộng trong khi tôi có thể rút lui ngày càng nhiều hơn. ‘Một người thầy có thể nói điều này là một người thầy tuyệt vời; là một người thầy của cuộc sống.

Đầu tiên, hiện tượng tập trung là cần thiết. Sau đó trẻ sẽ bình tĩnh. Chúng chỉ cử động tay khi làm việc. Một đứa trẻ tập trung không làm phiền người khác. Giáo viên phải nhận ra khoảnh khắc đầu tiên của sự tập trung và không làm phiền nó. Toàn bộ tương lai đến từ thời điểm này và vì vậy giáo viên phải sẵn sàng để không can thiệp khi nó xảy ra. Điều này rất khó, vì giáo viên phải can thiệp liên tục trước khi trẻ trở nên bình thường. Thông thường, giáo viên sẽ can thiệp khi trẻ đang làm việc. Giáo viên sẽ đến xem trẻ đang làm gì và khen ngợi trẻ. Lời khen ngợi này là sự can thiệp. Giáo viên đi sửa sai và đây cũng là sự can thiệp, mặc dù đó là chủ ý tốt. Việc can thiệp khi trẻ nghịch ngợm không phải là can thiệp mà đây chỉ là khi người lớn thường nói: ‘Ôi con trẻ thật tràn đầy sức sống’, ngược lại khi trẻ đang làm việc nghiêm túc chúng ta thường đến và nói: ‘Con đang làm gì vậy? Cho cô xem với’. Khi đó sự tập trung bị phá vỡ; nó đã kết thúc. Vì vậy, đừng bao giờ can thiệp khi trẻ đang tự làm việc. Đừng bận tâm về việc liệu trẻ có đang mắc sai lầm hay không; bạn không được sửa trẻ vào lúc này. Điều quan trọng không phải là trẻ phải thao tác tốt với học cụ, mà là học cụ này đã thu hút được sự chú ý của trẻ. Trẻ tự sửa sai bằng cách lặp lại bài tập hoặc thông qua việc kiểm soát lỗi, điều này đúng đối với một số học cụ. Nếu bạn can thiệp, sự hứng thú của trẻ sẽ kết thúc; trạng thái say mê để tự sửa lỗi bị phá vỡ. Như thể trẻ nói, ‘Con đã ở bên trong chính mình. Cô đã gọi con và vậy là nó đã xong. Bây giờ học cụ này không còn quan trọng đối với con nữa.’ Một đứa trẻ không cần lời khen ngợi; lời khen ngợi phá vỡ sự say mê. Đứa trẻ không quan tâm đến học cụ vì lợi ích của chính nó. Một năng lượng bên trong tuyệt vời, sự bình thường, đến từ công việc này với học cụ và bạn sẽ phá vỡ chu kỳ hoạt động bằng cách can thiệp.

Người giáo viên phải rất nhạy cảm và sẵn sàng nhận ra hiện tượng tập trung này ngay khi nó xảy ra. Cô ấy phải sẵn sàng không can thiệp hoặc sửa lỗi. Nếu cần sửa, cô ấy phải làm nó một cách gián tiếp tại thời điểm khác, chứ không bao giờ ở thời điểm tập trung thực sự. Đây là thời khắc chinh phục, là thời điểm đứa trẻ tự hướng dẫn mình theo những thúc giục tự nhiên của mình. Việc xây dựng được hình thành thông qua trải nghiệm trong môi trường và thông qua các bài tập với học cụ. Nếu trẻ được sửa chữa ở thời điểm này, quá trình xây dựng này bị xáo trộn. Khi trẻ được xây dựng tốt, sau đó chúng có thể được sửa chữa nhưng ngay cả khi đó, điều đó là không cần thiết, bởi vì việc kiểm soát lỗi là cố hữu đối với học cụ.

Công việc của người giáo viên là hướng các em theo hướng bình thường hóa, hướng tới sự tập trung; cô ấy giống như chú chó chăn cừu đi theo bầy cừu khi chúng đi lạc, và giữ tất cả những con cừu bên trong ranh giới. Giáo viên có hai nhiệm vụ: dẫn dắt trẻ tập trung và hỗ trợ sự phát triển của trẻ sau đó. Sự trợ giúp cơ bản trong sự phát triển, đặc biệt là với trẻ nhỏ, là không can thiệp. Sự can thiệp làm ngừng hoạt động và ngừng tập trung. Nhưng đừng áp dụng quy tắc không can thiệp khi lũ trẻ vẫn còn là con mồi cho những trò nghịch ngợm khác nhau của chúng. Đừng để chúng trèo lên bệ cửa sổ, bàn ghế,… Bạn phải can thiệp ở giai đoạn này – tại thời điểm này, giáo viên phải là cảnh sát. Người cảnh sát phải bảo vệ những công dân lương thiện khỏi những kẻ phá rối. Cô ấy không những không được can thiệp khi trẻ đang tập trung mà còn phải thấy rằng trẻ không bị quấy rầy. Làm những gì bạn thích với phần còn lại của lớp học, bất cứ điều gì bạn đã học được trong quá trình đào tạo hoặc bất cứ điều gì khác mà bạn cảm thấy rằng điều đó không quan trọng, bởi vì giai đoạn này không quan trọng. Can thiệp để ngăn chặn sự xáo trộn. Chúng ta không cần trừng phạt hay la mắng hay khuyên nhủ khi chúng ta ngừng hành vi xấu. Chúng ta có thể yêu cầu trẻ đến hái hoa trong vườn hoặc đưa cho trẻ một món đồ chơi hoặc bất kỳ công việc nào có thể thu hút trẻ. Vì vậy, chúng ta có thể làm cho trẻ vui vẻ ngày hôm nay và sau một thời gian – điều gì đó sẽ đến từ tâm hồn tiềm ẩn của trẻ và trẻ sẽ trở nên tập trung và có một cuộc sống mới. Trẻ sẽ trở nên bình thường hóa.

Chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi. Nó sẽ không lâu vì thiên nhiên thúc giục đứa trẻ hướng tới loại hoạt động phù hợp. Sau đó, phải sẵn sàng môi trường thích hợp cho sự phát triển của trẻ. Sự ngỗ ngịch của trẻ biến mất và trẻ bắt đầu làm việc một cách đúng đắn.

Bạn không thể làm gì khi trẻ mất trật tự. Nếu bạn có cả lớp, bạn không thể chú ý riêng đến từng trẻ, nhưng bạn có thể kể cho chúng nghe một câu chuyện, bạn có thể để chúng hát, bạn có thể làm hoạt động với cả nhóm như di chuyển ghế mà không gây ra bất kỳ tiếng ồn nào, mang theo một cốc nước mà không làm đổ ra ngoài. Bạn thậm chí có thể để bọn trẻ xem ai có thể làm những điều này tốt nhất, bởi vì ngay cả khi cạnh tranh là một điều xấu, nó không quan trọng ở giai đoạn này và sau khi tập trung đến, sự cạnh tranh sẽ biến mất bởi vì bọn trẻ sẽ thích thú với công việc. Vì vậy, nếu cạnh tranh là một sự trợ giúp cho các mục đích thiết thực, đừng ngại sử dụng nó. Không có gì quan trọng trong khi những đứa trẻ vẫn đang bị lệch lạc; mọi thứ sẽ tự điều chỉnh khi sự tập trung đã đến. Chúng ta có thể sử dụng bất kỳ phương tiện nào chúng ta có để thu hút sự chú ý của trẻ. Sự chú ý của chúng được thu hút thông qua hoạt động. Cung cấp cho chúng hoạt động; thu hút chúng qua sự ngọt ngào. Đây cũng có thể là một phương pháp của tình yêu thương vì chúng ta biết mình đang hướng tới điều gì. Chúng ta biết rằng năng lượng này tồn tại bên trong trẻ và thúc giục trẻ thực hiện các bài tập cần thiết cho sự phát triển. Đó chính là thiên nhiên đưa trẻ đến độ tập trung, không phải bạn. Bạn hỗ trợ khi bạn hiểu ý tưởng và khi bạn đưa ra cho trẻ những bài tập mang lại sự kiểm soát. Hãy cho trẻ bất cứ thứ gì khiến trẻ có hứng thú ngay lập tức.

Giáo viên phải trang nghiêm cũng như hấp dẫn. Cô giáo phải là người ở vị thế cao hơn chứ không chỉ là một người bạn như ở các trường học ngày nay. Thầy trò không ngang hàng với nhau. Có đủ số trẻ trong lớp mà không cần giáo viên trở thành một đứa trẻ cùng với trẻ. Chúng không cần một đứa trẻ khác. Chúng cần một người chững chạc và đáng tôn quý. Những đứa trẻ phải ngưỡng mộ cô giáo vì sự quan trọng của cô. Nếu chúng không có thẩm quyền, chúng không có chỉ dẫn. Trẻ cần sự hỗ trợ này. Nếu bạn vuốt ve hoặc hôn trẻ, hãy làm như vậy một cách trang nghiêm. Trẻ không được gắn bó với cô giáo nhưng trẻ phải có lòng tin ở cô. Trẻ phải gắn bó với học cụ; nếu trẻ gắn bó với giáo viên trẻ không thể độc lập. Phẩm giá không được nhầm với kiêu ngạo. Để trở nên được tôn quý chỉ đơn giản là trở thành một người ở vị trí cao hơn và người lớn phải vượt trội hơn trẻ vì cô ấy đã sống lâu hơn.

Trẻ biết rằng trong môi trường hấp dẫn này, trẻ được tự do lựa chọn công việc của mình và luôn có người đáng tôn quý và hấp dẫn này ở đó để hướng dẫn trẻ. Một nhà thơ người Anh đã viết về một giáo viên rằng cô ấy phải giống như một thiên thần, che chở và ngọt ngào và trang nghiêm. Những đứa trẻ sẽ có cảm giác an toàn khi ở gần người bề trên này. Giáo viên phải là tất cả mọi thứ hoàn hảo.

Nguồn: Bài giảng năm 1946 – Maria Montessori, được dịch bởi Team VMC

Hình ảnh: VMC – Trung tâm Montessori Việt Nam