Những năm đầu có con, từ thiên đường xuống địa ngục

và hành trình lên lại mặt đất

Nguồn: Hồ Hồng Vân – Giáo viên Montessori 3-6 (Khóa 2) do IMC và VMC đào tạo

Hình ảnh: Tác giả cung cấp

Hiệu đính: VMC

 

🍒 Câu chuyện về một người mẹ trải qua những sóng gió từ khi có con và hành trình chuyển hóa với Montessori 🍒

Chị Hồ Hồng Vân, một người có niềm tin vào cuộc sống đã không ngừng đặt ra các câu hỏi đâu mới là sự thật, phải làm như thế nào mới đúng khi đứng trước những sóng gió cuộc đời từ khi có con.

Hiện chị là mẹ của hai bé 9 tuổi và 6 tuổi. Chị vừa là chủ trường vừa là cô giáo đứng lớp chính trong môi trường Montessori 3-6 tuổi. Mọi người thường hay gọi chị với biệt danh là “bé bự” vui tính, chân thành và nhiệt tình. Đồng nghiệp thân thiết nhất bảo rằng chị là người không hề biết sợ gì cả và rất tự tin. Chị bảo đúng là chị không biết sợ gì cho đến khi có con thì chị hơi sợ con chị một xíu (cười).

 

Một người phụ nữ tự tin đến những hoàn cảnh éo le sau khi sinh con

Câu hỏi: Hiện tại nhìn chị Vân, em thấy chị là người vui vẻ, tràn đầy nhiệt huyết với công việc và cuộc sống của mình. Chị có thể chia sẻ những sóng gió mà chị đã trải qua không ạ?

Trước khi có con cuộc sống của chị khá ổn. Chị có một tuổi thơ êm ấm và tràn đầy ở một huyện nghèo tại Tây Ninh. Nhờ có bà nội, chị may mắn vẫn được đến trường dù nhà rất nghèo. Cuộc sống cứ nhẹ nhàng như thế đến khi chị kết hôn, và hai vợ chồng đều có công việc và thu nhập tốt để trang trải cho gia đình cả hai bên.
Lúc chị sinh bé đầu, chị như từ trên trời rơi xuống địa ngục. Một người phụ nữ trước đây hoàn toàn tự tin với cuộc sống của mình, thì giờ đây, mọi thứ thật là kinh khủng. Khi con chỉ mới 14 ngày đã phải nhập viện và tiêm kháng sinh liên tục 20 ngày vì bị trào ngược. Chưa kể mỗi lần tiêm là con khóc liên tục từ 10 – 12 tiếng mà lúc đó chị không hề biết lý do con bị sốc thuốc. Lần đầu tiên làm mẹ, không có người thân phụ giúp khi con nhập viện, không thể tự đi mua được cho mình một hộp cơm khi đói.
Đến khi sinh bé thứ hai, lúc ở nhà có những hành vi ở bé lớn mà chị thấy không ổn và bạn cần phải được hỗ trợ. Vậy là chị quyết định nghỉ làm hẳn để ở nhà chăm sóc con. Rồi bé nhỏ lại bị trào ngược hệt bé lớn. Lần này may mắn chị tìm được đúng bác sĩ và biết rằng cần phải bế con ngủ ngồi. Chị bế con ròng rã 8 tháng trời thì chị không thể gồng thêm được nữa. Lúc này chị bắt đầu quay qua trút hết mọi vấn đề và những kỳ vọng lên chồng.

Đỉnh điểm là khi mẹ chồng chị vào sống cùng lúc bé nhỏ 1 tuổi. Những mâu thuẫn trong tư tưởng và cách hành xử giữa mẹ chồng và chị khiến chị cảm thấy cuộc sống thật bất công. Tại sao mẹ chồng lại có thể đối xử theo cách mà chị cho rằng thật tệ bạc sau những gì mà chị đã làm cho anh chị và ba mẹ chồng.

 

Đâu mới là sự thật? Như thế nào mới đúng? hay là mình trả lại mọi thứ về vị trí cũ, kể cả chồng

Câu hỏi: Khi vừa ở nhà chăm sóc con và vừa gặp vấn đề với mẹ chồng, chị đã có những suy nghĩ gì vào thời điểm đó ạ?

Khi quan sát thấy những vấn đề ở bé lớn, thấy rằng con mình mà tại sao không giống mình. Chị bắt đầu tìm về những ký ức thời thơ ấu của mình. Chị còn định khăn gói mang con về quê sống thay vì để con cả ngày ở trong một chiếc hộp bê tông như vậy. Chị mong muốn làm sao có thể nuôi dưỡng con trở thành một người tốt, người tử tế, bình yên, không hơn thua. Một người cảm thấy vui khi người ta tốt chứ không cảm thấy buồn khi người ta tốt. Một người chấp nhận chính mình khi mình chưa tốt và nỗ lực để tốt hơn. Chị còn sợ những hậu quả nghiêm trọng nếu mình không biết cách hỗ trợ con đúng đắn.

 

Nhìn vào mối quan hệ của chị với gia đình chồng chị không biết chị đã sai ở đâu, chị phải làm như thế nào mới đúng và sự thật thì như thế nào mới là đúng. Lúc đó chị muốn truy quét tận gốc về việc sự thật là gì, đâu mới là sự thật?

Cứ như vậy chị sống trong những câu hỏi về chính cuộc sống của mình và những trăn trở làm sao để chị có thể nuôi dạy con nên người. Chị đã vận dụng tất cả những kinh nghiệm và kiến thức mà mình có được về cuộc sống để tìm câu trả lời nhưng tất cả chỉ đi vào ngõ cụt. Chị lâm vào bế tắc và bị stress nghiêm trọng. Có những lúc chị đã nằm bất động 24 tiếng đồng hồ và có thể khóc bất cứ lúc nào. Thậm chí lúc đó chị còn có suy nghĩ hay là mình trả hết mọi thứ về lại vị trí cũ, trả lại chồng về cho mẹ chồng chị.

 

Cảm thấy mình như “con điên” và Montessori đã giúp chị lên lại mặt đất

Câu hỏi: Và chuyện gì đã xảy ra tiếp theo ạ? Em thấy bây giờ gia đình chị Vân rất hạnh phúc, điều gì đã giúp chị xoay ngược tình huống và thay đổi suy nghĩ của mình ạ?

Từ trên trời rớt xuống 9 tầng địa ngục và thêm gánh vác trên vai hai đứa con nhỏ nên lúc đó chị thấy mình như “con điên” luôn và Montessori đã lôi chị trở lên lại mặt đất và chị trả lời được tất cả những câu hỏi đó. Trong lúc đi học chị rất là “nhập” và liên tục “wow”. Chỉ sau đợt học đầu tiên chị đã có thể trả lời hầu hết những câu hỏi mà chị bế tắc trước đó.
Montessori như là đường dẫn để chị có thể trả lời tất cả những câu hỏi khác trong cuộc sống của mình. Học Montessori là học về con người, và nó đi từ gốc rễ của sự phát triển ở con người. Montessori không chỉ giúp chị hiểu con và những nguyên nhân phía sau hành vi bất ổn của con, mà nó còn giúp chị hiểu được những người lớn xung quanh. Để chị có thể thông cảm và chấp nhận sự khác biệt của người khác vì chị hiểu được những tổn thương thời thơ ấu ảnh hưởng đến người lớn hiện tại như thế nào.
Montessori không chỉ là phương pháp giáo dục mà nó còn là một triết lý sống. Nó có thể giúp mình độc lập trong việc học hỏi mọi thứ, và nó có ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Thậm chí, Montessori còn dẫn chị đi vào con đường phát triển tâm linh một cách nhẹ nhàng, dễ dàng và tự nhiên. Bây giờ chị cảm thấy rất tự tin vì chị biết mình nên hành xử như thế nào.
 
Chăm sóc bên trong và mọi thứ bên ngoài dịch chuyển 
Câu hỏi: Còn điều gì chị rất tâm đắc từ khi học Montessori và muốn chia sẻ đến mọi người không ạ?
Có một câu nói của cô “Bạn không thể tác động gì tới người khác, bạn chỉ có thể thay đổi chính mình.” và chị đã làm theo như vậy. Rồi mọi thứ được dịch chuyển một cách rất tự nhiên vì chị không hề đưa tay ra tác động bất kỳ điều gì bên ngoài bản thân mình. Chị chỉ chăm sóc và thay đổi chính mình. Chẳng hạn, chồng chị trước đây không hề động tay vào việc chăm sóc con, bây giờ anh ấy là người chăm sóc chính cho bé thứ hai. Hay trong 10 tháng chị đi học, bé lớn bắt đầu có những thay đổi tích cực và hai vợ chồng chị đồng quan điểm với nhau hơn trong việc giáo dục con.

Thậm chí, đứng trước đợt dịch covid lần này, chị còn nghĩ rằng nếu mất đi chị sẽ ra đi rất thanh thản với niềm tin con sẽ sống tốt. Cuộc sống của mình là của mình, cuộc sống của con là của con. Chị không còn vướng mắc và đồng hóa với con. Chị cảm thấy rất an yên khi con nhận được phương pháp giáo dục tốt, chị có chồng đồng hành cùng.