Đặc điểm đạo đức của trẻ từ 7 – 12 tuổi

Một khi đứa trẻ đã vượt qua giới hạn của thời kỳ đầu, điều chúng ta cần làm là cung cấp cho nó một nền văn hóa và mở rộng những kinh nghiệm xã hội của nó. Chúng ta hãy dẫn ra một vài điểm quan trọng và đồng thời lưu ý đến mối tương đương giữa thời kỳ mới này cũng như một vài khía cạnh nhất định của thời kỳ trước đó.

Thật ra, thời kỳ đầu tiên chứng kiến đứa trẻ lao vào những hoạt động mà chúng ta đã gọi là “những bài tập cho đời sống thực tiễn”. Chúng là một nỗ lực để nới rộng những giới hạn của những hoạt động mà chúng tôi coi là có thể đối với đứa trẻ ở độ tuổi đó. Bằng cách này, đứa bé, vốn đã tự mình nới rộng các giới hạn, đã giành được sự độc lập của mình. Đây là điều khiến cho những bài tập về tính kiên nhẫn, sự chính xác, và sự lặp lại ấy trở nên quan trọng đến như vậy.

Tiếp tục những bài tập này bây giờ hẳn là vô ích một khi đứa bé đã có sự độc lập; đồng nghĩa rằng nó biết làm thế nào để dành hết mình cho một hoạt động mà nó sẽ không còn cần đến sự giúp đỡ của người lớn và nó đã phối hợp được sự vận động. Nhưng những cử chỉ nhã nhặn mà nó đã được dạy với dụng ý tạo nên những mối tương tác với người khác giờ đây cần phải được đưa lên một bình diện mới. Chẳng hạn, vấn đề trợ giúp kẻ yếu, người già cả, người bệnh tật giờ đây nảy sinh. Đây không phải là vấn đề rèn luyện tác phong: chúng ta bắt đầu giới thiệu những mối quan hệ đạo đức, những mối quan hệ làm đánh thức lương tâm. Nếu, từ trước đến giờ, điều quan trọng là làm sao đừng đâm sầm vào người đi đường, thì giờ đây điều quan trọng đáng kể hơn là đừng xúc phạm người đó.

Nếu hoạt động hướng đạo đã đạt được thành công như vậy, đó là vì nó đã mang nội dung đạo đức đến với một nhóm trẻ. Nó nhấn mạnh đến những gì một người phải làm và không nên làm. Những đứa trẻ thuộc về những nhóm này thường không làm những điều mà hoạt động hướng đạo ngăn cấm. Trong việc tuân thủ những quy tắc hướng đạo, một phẩm cách mới mẻ nảy sinh ra nơi đứa trẻ.

Sự rèn luyện thể chất, chẳng hạn những cuộc đi bộ đường dài, cũng chiếm một phần trong số những hoạt động của các nhóm này. Đứa trẻ làm quen với những thử thách lớn lao hơn của một thể thức sinh hoạt nghiêm túc và khắt khe hơn.

Trong khi đứa trẻ nhỏ hơn tìm kiếm sự êm ấm thoải mái, đứa lớn hơn giờ đây hăm hở đương đầu với các thử thách. Nhưng những thử thách này phải có một mục đích. Sự khác biệt giữa một ông thầy giáo đưa trẻ đi bộ đường dài và một tổ chức thuộc loại này có thể thấy rõ ở đây. Đúng là thấy giáo có khiến đứa trẻ bước ra khỏi môi trường học đường kín cổng cao tường và bắt chúng sử dụng đôi chân để đi bộ và dùng mắt để quan sát những sự vật xung quanh mình. Nhưng điều này không có cách nào làm gia tăng phẩm cách của đứa trẻ, vốn vẫn còn bị kiềm giữ trong một phạm vi hạn hẹp. Người ta có thể nhân số cuộc đi bộ lên nhiều lần mà chẳng thay đổi bất kì điều gì, vì sự tiếp nhận của đứa trẻ mang tính thụ động. Mặt khác, nếu đứa trẻ chủ động rời khỏi trường với một mục tiêu rõ ràng và tùy ý lựa chọn trong đầu, đó hẳn là một vấn để hoàn toàn khác.

Giờ đây, hoạt động hướng đạo bao gồm những đứa trẻ tự nguyện gia nhập làm thành viên trong một hội. Và hội đó nhấn mạnh, trên hết thảy, đến một mục đích đạo đức, chẳng hạn như bảo vệ kẻ yếu và duy trì một chuẩn mực đạo đức nhất định; ở đây đứa trẻ có thể thể hiện sự cam kết hay không thì tùy. Không có giáo viên nào để bắt buộc trẻ gia nhập hội; nhưng nếu nó muốn là thành viên, trẻ phải tự mình quyết định tuân theo những nguyên tắc thì mới có thể tham gia được. Việc đứa trẻ nhận thấy bản thân mình hòa hợp với những cá nhân khác, những người cũng thoải mái chấp nhận những nguyên tắc của một hội đoàn, làm nên sức hấp dẫn của hội đoàn đó. Những ranh giới của nó không còn là bốn bức tường phòng mà chỉ là những ràng buộc mang tính đạo đức.

Người hướng đạo sinh chấp nhận một chế độ mà tính khắc nghiệt của nó vượt xa những gì được coi là khả thi đối với đứa trẻ ở tuổi này. Do đó, những cuộc đi bộ đường dài, những đêm ngoài trời, tinh thần trách nhiệm cho những hành động của bản thân, đốt lửa trại, cắm trại, v.v…, tất cả đều là kết quả của những nỗ lực tập thể. Nguyên tắc đạo đức cơ bản đòi hỏi một sự cam kết từ cá nhân: mối cam kết của cá nhân với cả nhóm. Và đó là điều thiết yếu.

Giống như trong thời kỳ đầu: Chúng ta muốn thấy đứa trẻ tự nguyện tiếp nhận một bài học được đưa ra. Bài học giờ đây mang tính trừu tượng trong khi trước đó mang tính cảm quan.

Bởi vậy, trong thời kỳ thứ hai tồn tại những tiềm năng vượt trên những gì chúng ta từng biết có nơi đứa trẻ. Duy có điều, những tiềm năng này phụ thuộc không phải vào mệnh lệnh của người nào đó, mà thay vào đó là mệnh lệnh của chính lương tâm đứa trẻ.

Nguồn: Sách “Từ Tuổi Ấu Thơ đến Thanh Thiếu Niên” – Bùi Thanh Châu dịch, Nghiêm Phương Mai hiệu đính từ “From Childhood to Adolescence” – Maria Montessori.
Ảnh: VMC