Thầy Ananth – người đánh thức trách nhiệm của một người cha trong tôi

Nguồn:  Vũ Viết Anh – Phụ huynh tham dự Hội thảo giới thiệu và trải nghiệm chương trình “Cha mẹ Tỉnh thức cùng Montessori” do IMC và VMC tổ chức.

Hình ảnh: VMC

Hiệu đính: VMC

 

Trong hội thảo “Cha mẹ tỉnh thức” vào hôm thứ 7 vừa rồi, tôi đã được thầy Ananth chia sẻ một số câu chuyện có thực trong khoảng thời gian làm cha với con trai mình (giờ đây cậu con trai của thầy đã 28 tuổi). Qua câu chuyện cá nhân của Thầy, tôi đã thấy chính mình trong đó và nhận ra một sự thật ngỡ ngàng là hành trình làm cha mẹ không hề dễ dàng, luôn đầy những bất ngờ và thử thách, và rất nhiều điều chưa biết đặc biệt khi con còn nhỏ. Sự hiểu biết về phát triển của con trẻ là cả 1 thế giới bao la rộng lớn mà chưa chắc học cả đời có thể biết và hiểu hết được.

Tuy nhiên, khi Thầy có cơ duyên được học và thực hành Montessori với IMC thì việc chú tâm quan sát trẻ với những sự hướng dẫn của các vị tiền nhân đã giúp thầy ngộ ra “những quy luật nền tảng” nhất ở trẻ. Điều đó đã giúp Thầy kết nối & đồng hành với con mình trong suốt 26 năm trời còn lại một cách “gắn kết & thấu đáo” hơn.

 

Thắc mắc bằng yêu thương

Thầy đã kể lại câu chuyện khi con trai thầy mới 2 tuổi. Thầy quan sát thấy cậu chỉ muốn cha mình đeo kính ở trên mắt hoặc để trong hộp kính thôi. Nếu bé thấy Thầy để kính ở một chỗ nào khác, cậu sẽ khóc oà lên cho đến khi cha mình để nó ở đúng chỗ. Đây là một hiện tượng “khá đặc biệt” ở trẻ mà thường chúng ta có thể bỏ qua “chi tiết” này vì chỉ muốn cố gắng làm sao cho trẻ hết khóc.

Nhưng với Thầy thì khác, con mình thì luôn đặc biệt trong mắt mình và những hành động đáng yêu khác lạ của con cũng vậy. Chính tình yêu mạnh mẽ giúp Thầy “để ý & quan sát” những điều đặc biệt đó và cố tìm hiểu tại sao con làm như vậy. Và động lực lớn mạnh đó còn thúc đẩy Thầy đi tìm hiểu một cách một cách khoa học và chuyên sâu hơn “vì sao con làm điều đó” bằng cách tham gia khoá học “Montessori” ở Trung tâm Montessori Ấn Độ. Đến hôm nay, không chỉ trở thành một người cha tốt hơn cho con mình mà Thầy còn trở thành một nhà giáo với trên 20 năm kinh nghiệm giảng dạy về Montessori.

 

Câu chuyện trên làm tôi nhận ra một điều là phải thực sự có “tình yêu thương chân thành mãnh liệt” và “mong muốn trở thành người đồng hành với con suốt thời thơ ấu” thì tôi mới có thể “để tâm quan sát con mình và thắc mắc nhiều hơn”.

 

Kết nối để thấu hiểu

Cũng trong buổi hội thảo, tôi thấy Thầy thích đặt câu hỏi cho mọi người và đọc chia sẻ của mọi người hơn là cố gắng nói về những kiến thức Montessori mà mình đã chuẩn bị trước. Cái cách Thầy lắng nghe và không bỏ sót chia sẻ của tất cả mọi người đã chia sẻ làm tôi cảm thấy ngợp và xúc động. Tôi nghĩ Thầy thực sự quan tâm sâu sắc đến cảm nhận, thắc mắc và suy nghĩ của mọi người. Và điều đó đã khuyến khích chúng tôi chia sẻ cảm nhận của mình nhiều hơn chứ không ngồi im thụ động khi tham gia một hội thảo online.

Do đó, tôi cho rằng chính sự “lắng nghe và quan sát chân thành” của Thầy đã đem đến sự kết nối cho phần lớn người tham dự. Mọi người không chỉ kết nối với Thầy, với chủ đề “Cha mẹ tỉnh thức” mà còn kết nối lại suối nguồn yêu thương bên trong mình dành cho con trẻ.

 

Thấu đáo trên con đường đồng hành

Khi chương trình gần kết thúc, tôi đã hỏi thầy một câu “Sau ngày hôm nay, điều gì là điều mà thầy muốn mọi người ghi nhớ nhất?“. Thầy trả lời tôi “Chính là hãy quan sát trẻ một cách chú tâm. Điều đó chính là sự khởi đầu cho hành trình kết nối với con trẻ. Đó cũng là điều quan trọng nhất.”

Tôi đã vô cùng hoang mang. Vì tôi thấy Mon có rất nhiều kiến thức hay và quan trọng như “Tự do & Kỷ Luật” hay “Môi trường cho sự tự lập của trẻ”, … nhưng tôi lại được khuyên về sự quan sát. Tuy nhiên, khi tôi ở một mình với một tâm trí tĩnh lặng và thư thái, tôi nhận thức được sự ưu việt trong lời khuyên này vì “quan sát” chính là căn nguyên của học hỏi và thấu hiểu, và để biết cách yêu thương nhiều hơn.

Tôi vô cùng cảm ơn thầy đã cho tôi một tiền đề vững chắc trong sự hiểu biết của tôi và thầy cũng đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận trên hành trình làm cha mẹ “đồng hành cùng con” của tôi.

Sau tất cả, tôi có một suy nghĩ như sau: Nếu “làm cha mẹ tỉnh thức” hay “làm cha theo bản năng” là một sự lựa chọn, thì tôi sẽ lựa chọn tỉnh thức để thấu hiểu được cả hai.”

Chân thành cảm ơn thầy Ananth và VMC đã đồng hành với nhau để tổ chức 02 buổi chia sẻ “kỳ diệu” này.