Thiết lập môi trường Montessori tại nhà cho Trẻ 

Ngay từ khi sinh ra, trẻ cần cảm nhận sâu sắc sự gắn bó, hòa nhập với không gian gia đình. Và để thiết lập môi trường tại nhà cho trẻ Montessori ấy. Cha mẹ cần nhận thức được tầm quan trọng của mọi thứ mình sẽ đem vào nhà. Đặc biệt là những vật trẻ sẽ tiếp xúc trong ba năm đầu đời. Trí tuệ non nớt của trẻ sẽ hấp thu mọi ấn tượng chẳng khác gì miếng bọt biển. Và ở giai đoạn trước khi ngôn ngữ phát triển, những trải nghiệm qua các giác quan là toàn bộ thế giới của trẻ.

✅ Có 2 mục tiêu cha mẹ cần lưu ý khi thiết lập môi trường Montessori tại nhà

1️⃣ Sắp xếp ngôi nhà nhằm giúp trẻ tự lập và tự tin hơn. Đồng thời chú ý đến yếu tố an toàn và sức khỏe
2️⃣ Ngôi nhà nên được thiết kế để trẻ cảm nhận được vẻ đẹp và trật tự ở trong đó

✅ Hãy nhìn kích thước đồ vật trong nhà của bạn

Thoạt trông có vẻ là hợp lý khi đồ đạc sử dụng và cách bố trí ngôi nhà đều được thiết kế cho người lớn. Từ bồn rửa mặt, nhà vệ sinh đến bàn ghế, giường tủ. Tất cả đều có độ cao thích hợp với người lớn, nhưng trẻ lại thấp bé hơn nhiều. Bạn hãy cố gắng điều chỉnh các phòng sinh hoạt chung sao cho không đảo lộn căn nhà. Mà vẫn tạo cảm giác thoải mái ngay cả cho em bé nhỏ tuổi nhất trong gia đình nhé!

✅ Luôn chú ý đến AN TOÀN, an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu. Nhưng trẻ cũng cần được tự do vận động và khám phá

Mục đích thiết lập môi trường Montessori tại nhà mà bạn hướng tới là chuẩn bị môi trường trong nhà an toàn cho trẻ tự do hoạt động. Và bạn chỉ cần để mắt trông coi chứ không đến nỗi lúc nào cũng phải nơm nớp lo về tai nạn có thể xảy ra. Nhiều bậc cha mẹ quá lo lắng vể an toàn nên đã nhốt trẻ bằng giường cũi, ghế giữ trẻ, xe nôi… Chúng ta không lạ gì với cảnh các bé bị thắt đai vào loại ghế nôi giữ trẻ. Loại có thể tùy nghi tháo lắp thành ghế ngồi trên ôtô hay xe nôi. Bằng cách đó người lớn có thể đưa trẻ đi khắp nơi mà trẻ không được vận động hay chạm vào bất cứ thứ gì.

✅ Thoạt nhìn, việc hạn chế tầm hoạt động của trẻ vì lý do an toàn âu cũng hợp lý. Nhưng các bậc cha mẹ cần hiểu rằng MỖI GIỜ TRẺ BỊ NHỐT LÀ MỘT CƠ HỘI MẤT ĐI

Nếu được tự do hơn, trẻ có thể phát triển khả năng điều phối và sức mạnh của cơ bắp. Đồng thời tiếp nhận những kích thích cảm giác khi trải nghiệm bằng trực quan. Chỉ cần chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết trong nhà. Bạn có thể tạo ra môi trường cho trẻ tự do vận động và khám phá mà không phải lo ngại.

Dưới đây là một số lưu ý khi thiết kế môi trường an toàn ở nhà cho trẻ

– Che tất cả các ổ cắm điện trong tầm với của trẻ. Bằng loại nút che ổ cắm có bán ngoài thị trường.

– Lắp tấm chắn an toàn và khung chắn cửa sổ để củng cố an toàn cho phòng ngủ của trẻ, cầu thang và các phòng khác. Mà bạn không muốn trẻ vào hay ra được – Leo cầu thang là một hình thức vận động rất tốt cho trẻ. Nhưng nếu không thể để mắt đến trẻ thường xuyên thì bạn vẫn cần đảm bảo yếu tố an toàn ở khu vực này.

– Gia cố hay dỡ bỏ tất cả các dây điện trên sàn nhà hoặc bất cứ nơi nào trẻ có thể với tới.

– Nhiều loại cây trồng trong nhà gây độc tố nguy hiểm, hãy bỏ chúng đi.

– Bỏ hoặc khóa các tủ chứa thuốc, chất hóa học, dụng cụ, dao nĩa và bất cứ vật nào gây nguy hiểm.

– Dùng khóa an toàn cho bếp nấu, xoay cán xoong chảo vào trong khi nấu nướng.

– Để mắt đến trẻ và đưa ra các hướng dẫn kịp thời khi trẻ ở trong nhà vệ sinh. Bồn vệ sinh, máy sấy, dao cạo… là những vật nguy hiểm và không để trẻ sử dụng một mình mà không có sự quan sát của người lớn.

– Tất cả những đồ thủy tinh mắc tiền nếu bạn không muốn trẻ sử dụng. Thì ở giai đoạn thiết lập môi trường Montessori tại nhà. Bạn có thể cất lên cao và hạn chế sử dụng chúng.

Quy tắc thiết lập môi trường tại nhà cho trẻ Montessori

1. Sử dụng đồ đạc trong nhà tương ứng với kích thước trẻ.
Ví dụ cho môi trường có trẻ nhỏ 0-3 tuổi:
Ghế: 22cm
Bàn: 37cm
Kệ: 35cm
Bổ sung các bục / bệ để trẻ có thể tự mình bước lên và sử dụng bồn rửa một cách độc lập.
Để kệ thấp gồm các vật dụng ăn uống (chén, dĩa, muỗng, nĩa, ly tách…) ở khu vực ăn để trẻ có thể tự phục vụ…
2. Càng đơn giản gọn gàng càng tốt.
Chỉ giữ khoảng 6 giáo cụ / đồ chơi / dụng cụ hoạt động trong khu vực trưng bày cho trẻ là tốt nhất.
3. Luôn suy nghĩ ở góc độ “Làm sao có thể giúp trẻ tự lập?” / “Làm sao để trẻ có thể tự làm việc đó một mình hoàn toàn?”
Đựng các món đồ trong rổ có quai, khay nhỏ… Treo lên móc các dụng cụ quét dọn, khăn lau… Để trẻ có thể tự thu dọn “chiến trường” của mình (đổ nước, đổ thức ăn…) hoặc phụ mẹ làm việc nhà.
4. Quan sát không gian từ góc nhìn của trẻ.
Ngồi xuống sàn nhà nhìn quanh phòng, có thể bạn sẽ thấy 1 góc còn lộn xộn cần phải dọn dẹp. Hay một món trang trí (cây cảnh, tranh ảnh…) cần phải thay đổi vị trí để trẻ dễ dàng nhìn thấy hơn.
5. Lưu giữ các món đồ của trẻ và sử dụng xoay vòng.
Để thực hiện được mục 2 và ko muốn bỏ phí. Hãy lưu giữ và thay đổi đồ trong phòng trẻ khoảng 1 tuần 1 lần để tạo hứng thú cho trẻ.
 
Nguồn: Tham khảo, trích dẫn có chỉnh sửa từ sách “Nuôi con theo phương pháp Montessori”