Thức ăn là một phần trong giáo dục
Trong cộng đồng trẻ nhỏ, thức ăn là một cơ hội tuyệt vời để giáo dục cho trẻ về thực phẩm. Thức ăn là một phần lớn mà trẻ sẽ được tham gia vào. Ngoài việc ăn uống để cung cấp dinh dưỡng cho sự phát triển, trẻ còn được tiếp xúc nhiều hơn với thức ăn bởi vì thực phẩm có một quyền năng và một chỗ đứng cực kỳ thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta và nó cũng kết nối chúng ta đến những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống.
Khi mà trẻ được nuôi dưỡng ở trong một môi trường thức ăn lành mạnh, được tiếp cận với thức ăn, trẻ dần dần xây dựng được nhận thức của mình, hiểu được thức ăn của mình đến từ đâu, làm thế nào mà trẻ có được chúng.
Từ rất sớm trong cộng đồng trẻ đi vững, các con đã được tiếp xúc với các hoạt động rất căn bản trong góc làm thức ăn chung như cắt chuối, sắn táo, bóc quýt… Các con còn được giới thiệu tên gọi của các loại thực phẩm mà các con làm việc cũng như là các dụng cụ và tên gọi các hành động mà các con làm như cắt, bào, sắn trong các hoạt động này. Ban đầu mọi thứ chỉ diễn ra đơn giản như việc con thích dùng chính đôi tay của mình để cắt một trái chuối, bóc một quả trứng. Nhưng dần dần sau đó, con còn nhận ra, con có thể tạo ra những món ăn để phục vụ cho các bạn khác, gắn kết con đến với cộng đồng của mình. Hệ quả tích cực mà con có được là con dần dần xây dựng được sự tự tin của mình, con bắt đầu có những ý kiến của mình về thức ăn, cách thiết lập bữa ăn của mình, cách mà mình sẽ chuẩn bị bàn ăn, cách gắp thức ăn cho bạn và rất nhiều điều khác mà con có thể làm được.
Cũng tương tự như vậy, khi con được tham gia vào bữa ăn chung, con sẽ quan sát được cách mà mọi người ăn cùng nhau, chia sẻ đồ ăn, giao tiếp trong bữa ăn, gọi tên các món ăn, được dùng các món ăn mang văn hóa ẩm thực quê hương. Thông qua việc quan sát và tham gia này dần dần bên trong con cũng có được những hiểu biết về thức ăn, về cách chúng ta ăn và con sẽ tự phục vụ cho chính mình. Không những vậy, trong những bữa ăn quan trọng này, người lớn còn làm mẫu cách mà mọi người sẽ giao tiếp một cách lịch sự, thái độ của chúng ta về thức ăn, múc vừa đủ, ăn uống chậm rãi nhã nhặn. Điều này cũng giúp con xây dựng thái độ đúng đắn về thức ăn, về văn hóa bàn ăn của người Việt Nam ta.
Như mọi người đã biết, ngày nay có quá nhiều thức ăn và sự lựa chọn về thực phẩm. Chúng ta có thể vô thức dễ dàng xem nhẹ và lãng phí thức ăn. Việc con trẻ được sống và trải nghiệm trong môi trường có một thái độ đúng đắn với thức ăn, con cũng sẽ thích nghi với điều này. Và một cách rất tự nhiên, con thẩm thấu những điều tốt đẹp, cách ăn uống duyên dáng này cho chính bản thân mình.
Không chỉ vậy, chính trong khu vườn nhỏ ở môi trường ngôi nhà trẻ thơ, con còn được tham gia vào việc chăm sóc những cái cây ở trong môi trường. Rồi những cái cây đó lớn dần lên, chúng cho hoa, cho lá, cho quả,… và con lại được trải nghiệm một cách rất cảm quan thông qua đôi bàn tay của mình. Con hái chúng xuống, đem rửa, chế biến và rồi có được thức ăn từ chúng. Từ đây con có được một cái nhìn tích cực về nơi mà thức ăn của con đến và làm thế nào để có được món ăn đó.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về sự quan trọng của việc giáo dục cho con trẻ về thức ăn và thực phẩm, nhất là trong thời đại ngành công nghiệp thức ăn nhanh, thực phẩm đóng gói sẵn đang len lỏi và có mặt trong các bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Khi con trẻ được trải nghiệm một môi trường thực phẩm tươi sạch và ăn uống lành mạnh. Đó thật là một món quà quí giá chúng ta có thể trao cho con để các con được trải nghiệm và từ đó thiết lập cho chính mình thói quen ăn uống lành mạnh và tốt cho sức khỏe.
(*) Ngôi nhà trẻ thơ: tên gọi của trường Mầm non theo phương pháp Montessori
Nguồn: Ngôi nhà trẻ thơ Aurora Montessori School
Ảnh: VMC